logo
  1. Blog
  2. Tin tức
  3. Lưu trữ tài sản trên các sàn giao dịch liệu có an toàn?

Lưu trữ tài sản trên các sàn giao dịch liệu có an toàn?

  1. Đâu là giải pháp tối ưu hơn?
  2. Người dùng mất quyền tự chủ
  3. Sự cố bất ngờ không thể lường trước
  4. Chiêu trò của sàn giao dịch
  5. Tổng kết

Tài sản mã hóa của người dùng chỉ thật sự an toàn khi họ quyết định lựa chọn đúng nơi để lưu trữ. Có hai hình thức phổ biến nhất cho nhà đầu tư để thực hiện quá trình này bao gồm ví tập trung (sàn giao dịch) và ví phi tập trung.

Đâu là giải pháp tối ưu hơn?

Khi người dùng để khoản tiền của họ trên sàn giao dịch, thì điều đó được coi là trao quyền lưu giữ vì họ sẽ giao các biện pháp bảo mật cho sàn giao dịch. Đối với ví tập trung người dùng sẽ giữ tiền của họ trong một chiếc ví mà chỉ họ mới có thể truy cập, không bị phụ thuộc vào bên thứ ba và loại bỏ rủi ro về nền tảng. Cả hai phương pháp này đều có ưu điểm và khuyết điểm khác nhau.

Tuy nhiên, ví tập trung lại đang chiếm nhiều ưu thế hơn với những lợi thế vượt trội của riêng mình. Để có góc nhìn tổng quan và tìm hiểu sâu hơn lý do tại sao chúng ta nên sử dụng ví phi tập trung để lưu trữ tiền mã hóa. Mời quý độc giả tham khảo thông qua bài viết chi tiết dưới đây:

Dù vậy trên thực tế, phần lớn người dùng trên thị trường vẫn đang đặt niềm tin cho tài sản của họ trên các sàn giao dịch. Do đó, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ BHO Network sẽ mang đến những phân tích cụ thể nhất về rủi ro khi chúng ta dùng sàn giao dịch làm nơi lưu trữ crypto.

Người dùng mất quyền tự chủ

Mỗi ví tiền mã hóa đều có hai khóa bao gồm khóa công khai và khóa riêng tư. Khóa công khai giống như địa chỉ ví, được sử dụng khi ai đó muốn gửi tiền cho chúng ta. Mặt khác, khóa cá nhân giống như mật khẩu cho ví. Người dùng cần nhập mật khẩu mỗi khi muốn truy cập tài sản của mình. Khóa này đảm bảo rằng chỉ người dùng chính chủ mới có quyền tiếp cận vào ví.

Tuy nhiên, khi nói đến ví do sàn giao dịch cung cấp, khóa riêng của người dùng cũng được sàn giao dịch biết đến. Chỉ cần đăng nhập vào sàn giao dịch và người dùng sẽ được sàn cung cấp cho một khóa cá nhân khác sau khi xác minh thông tin chi tiết liên quan. Do đó, sàn giao dịch có toàn quyền kiểm soát khóa cá nhân của người dùng.

Vì vậy đây là một mối đe dọa rất lớn đến sự bền vững của tài sản người dùng. Trong quá khứ, đã từng có một sự kiện gây chấn động giới công nghệ toàn cầu về vấn đề này. Vào năm 2019, CEO của sàn giao dịch QuadrigaCX đột ngột qua đời, kéo theo các khóa cá nhân của hàng nghìn người dùng đã bị mất. Các nhà đầu tư bị cáo buộc đã mất quyền truy cập vào số tiền mã hóa trị giá lên đến 190 triệu USD. Sự ra đi đầy bí ẩn của CEO QuadrigaCX cũng đã được nền tảng Netflix chuyển thể thành phim trong năm nay.

Sự cố bất ngờ không thể lường trước

Trong một số trường hợp đầy biến động, các sàn giao dịch có thể sẽ đóng băng hoặc chặn ví của người dùng. Điều này thường xảy ra mà không có nhiều cảnh báo và có thể gây khó chịu cho các nhà đầu tư. Ví bị đóng băng nếu có một số hoạt động gian lận trên nền tảng hoặc kẹt thanh khoản dẫn đến phá sản. Do đó, nếu đang sử dụng sàn giao dịch làm nơi lưu trữ tài sản, người dùng nên chuẩn bị tinh thần rằng tài khoản của mình có thể bị mất bất kỳ lúc nào.

Đương cử là Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện nay, đã chặn tài khoản của một số khách hàng từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021. Nhóm phát triển của họ thậm chí còn không giải thích lý do đằng sau động thái này. Trở lại năm 2020, nhiều người dùng cũng đã cáo buộc sàn giao dịch số một Hoa Kỳ Coinbase đóng băng ví trong giai đoạn khởi động chu kỳ tăng trưởng của Bitcoin.

Sự khủng hoảng thanh khoản đang ngày càng trầm trọng hiện nay của các nền tảng cho vay tiền mã hóa cũng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến phần lớn sàn giao dịch crypto phổ biến hiện nay như Binance, FTX, Coinbase, v.v. Mở đầu cho sự kiện này là sàn KuCoin.

Đã xuất hiện nhiều tin đồn cho thấy KuCoin khả năng cao sẽ là sàn giao dịch đầu tiên tiến hành chặn người dùng rút tiền vì áp lực thanh khoản. Dù CEO KuCoin Johnny Lyu đã lên tiếng đính chính nhưng nỗ lực như vậy dường như chưa đủ để củng cố niềm tin người dùng.

Không chỉ riêng KuCoin, mới đây CEO Kris Marszalek của sàn giao dịch tier 1 khác là Crypto.com cũng phải trực tiếp trấn an người dùng Crypto.com sẽ không thực hiện các hạn chế rút tiền trước bối cảnh suy thoái trầm trọng.

Nhìn chung, dù liên tục được những nhà lãnh đạo công khai thông tin tích cực về thực trạng rút tiền diễn ra suôn sẻ trên các sàn giao dịch. Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu câu chuyện thanh khoản cứ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn thì người dùng sẽ không có bất kỳ cơ sở nào đáng tin cậy để họ vẫn có thể tin tưởng đặt cược toàn bộ tài sản của mình cho sàn.

Chiêu trò của sàn giao dịch

Sự tồn tại về tài sản người dùng được lưu trữ trên sàn giao dịch luôn là một dấu chấm hỏi rất lớn đằng sau vấn đề bảo chứng. Xuất phát từ đăng tải của Giám đốc pháp lý sàn Coinbase Paul Grewal vào ngày 02/06, ông giải thích Coinbase sẽ không sử dụng tài sản của người dùng mà không có sự chấp thuận của khách hàng.

Điều này có nghĩa Paul Grewal muốn nhấn mạnh rằng thực trạng là nhiều tổ chức tài chính cho vay lẫn sàn giao dịch khác đang dùng tiền người dùng trên sàn để trục lợi, không giống như Coinbase, luôn bảo chứng 1:1 tài sản khách hàng với khoản dự trữ công ty.

Ở quan điểm trên, có thể hình dung tài sản chúng ta để trên sàn giao dịch có thể chỉ đơn giản là một con số hiển thị, không mang giá trị thật. Vì sàn sẽ dùng số tiền đó đem đi gửi vào các giao thức cho vay để kiếm lời theo tỷ suất lợi nhuận hàng năm (APY) cao và giao dịch đòn bẩy trên thị trường phái sinh.

Điều này vô cùng nguy hiểm vì nếu điều kiện thị trường chuyển biến xấu, việc thanh lý tài sản cùng sức ép thanh khoản sẽ khiến sàn vỡ nợ và tài sản người dùng khó có khả năng được đền bù hoặc nghiêm trọng hơn là hoàn toàn biến mất.

Mặt khác, sàn giao dịch còn có những mánh khóe riêng để tạo thanh khoản có lợi cho sàn và chèn ép tài sản người dùng. Điển hình là trong ngày 13/05, sau nhiều ngày LUNA và UST liên tục lao dốc không phanh, Binance đã thông báo hủy giao dịch spot, margin và futures đối với LUNA, chỉ còn sót lại cặp spot là LUNA/BUSD và UST/BUSD. Song, chỉ vài tiếng sau đó, Binance đã tạm ngừng luôn cặp giao dịch LUNA lẫn UST trên spot.

Hành động này được xem như Binance muốn tạo thêm sức mạnh thanh khoản cho BUSD, vì đây là stablecoin được hậu thuẫn bởi sàn giao dịch và duy trì khối lượng giao dịch cho LUNA và UST để thu thêm phí người dùng, vì vào thời điểm đó volume của LUNA/UST là rất lớn. Nhưng đồng thời cũng gây ra bế tắc cho tài sản nhà đầu tư giữ LUNA/UST muốn thoát khỏi khủng hoảng. Bởi lẽ cặp giao dịch thông qua stablecoin lớn nhất thế giới USDT đã bị chặn. Từ đó suy ra Binance đã một phần khiến cho tài sản người dùng bị tổn thất nặng nề chỉ vì lợi ích cá nhân của họ.

Tiếp đến Coinbase, như một phần nỗ lực nhằm kéo lại động lực tăng trưởng kinh doanh do thua lỗ trong thời gian gần đây, Coinbase đã thật sự đánh mất chính mình khi liên tiếp niêm yết hàng loạt các token kém chất lượng với mục đích tạo thêm thanh khoản giao dịch cho sàn. Điều này chắc chắn sẽ gây ra hoài nghi rất lớn về mặt niềm tin đối với tài sản người dùng đặt trên Coinbase vì một sàn giao dịch hàng đầu Hoa Kỳ như Coinbase lại đang lâm vào trạng thái bế tắc đến nỗi phải dùng đến giải pháp niêm yết vô tội vạ để vực dậy thanh khoản.

Cuối cùng là FTX. Có thể dễ dàng nhận thấy FTX luôn đi theo kế hoạch niêm yết token theo mô hình phái sinh trước rồi mới đến spot. Lý do xoay quanh chiến lược trên chỉ đơn giản nằm ở điểm FTX muốn tận dụng lợi thế nhà cái sàn giao dịch để hedge (phòng hộ) trước khi niêm yết spot cho nhà đầu tư nhằm mang lại nhiều lợi nhuận nhất có thể về cho sàn, và dĩ nhiên tài sản người dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chiêu trò này.

Để mô tả đơn giản về quy trình này, chúng ta sẽ lấy ví dụ về token A. Đầu tiên FTX sẽ niêm yết token A được giao dịch trên thị trường phái sinh của sàn. Khi người dùng tham gia long/short token A, dữ liệu sẽ được FTX kiểm soát đâu sẽ là bên chiếm ưu thế, từ đó FTX sẽ đặt vị thế ngược lại. Chẳng hạn như bên long chiếm ưu thế thì FTX sẽ short và ngược lại.

FTX sẽ hedge (phòng hộ) bằng cách mua trước token A với số lượng lớn để bắt đầu niêm yết spot. Sau khi được niêm yết spot, tùy vào vị thế long hoặc short như được miêu tả ở trên FTX sẽ thực hiện mua/bán trên spot để đẩy giá lên hoặc xuống, từ đó tác động đến thị trường phái sinh để thanh lý tất cả nhà đầu tư đang chiếm ưu thế, đem về khoản lợi nhuận khổng lồ cho sàn. Hậu quả là tài sản người dùng bên thị trường spot cũng không được đảm bảo vì sau đó khả năng cao những cặp giao dịch này sẽ bị hủy niêm yết hoặc thanh khoản kém.

Tổng kết

Thông qua những dữ kiện được phân tích xuyên suốt bài viết, đội ngũ BHO Network hy vọng sẽ truyền tải đầy đủ các kiến thức cần thiết về rủi ro khi lưu trữ tiền mã hóa trên sàn giao dịch, nhất là trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay nhằm giúp người dùng có quyết định đúng đắn nhất để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình.

Xin cảm ơn!

Xuất bản ngày 07 tháng 7 năm 2022

Chủ đề liên quan

share iconShare