1. Blog
  2. Tin tức
  3. Tổng quan về thị trường NFT

Tổng quan về thị trường NFT

  1. CHỢ/NỀN TẢNG GIAO DỊCH NFT LÀ GÌ?
  2. CÁC LOẠI HÌNH CHỢ NFT TRÊN THỊ TRƯỜNG HIỆN TẠI
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ THAM GIA VÀO THỊ TRƯỜNG NÀY?
  4. TƯƠNG LAI CỦA NFT NẮM GIỮ NHỮNG GÌ?

NFT hay các token không thể thay thế, hiện đã trở thành một ngành công nghiệp chính. Nhưng cũng như hầu hết các công nghệ mới nổi, có rất nhiều nền tảng và cách tiếp cận cạnh tranh nhau để phát triển và không phải lúc nào cũng rõ ràng đâu mới là nền tảng phù hợp nhất cho một doanh nghiệp.

Trong bài này, nhóm tác giả cho rằng những nền tảng NFT được phân loại từ đơn giản phổ biến (chi phí thấp, có nhiều dịch vụ chung hơn) đến nâng cao (chi phí cao hơn, dịch vụ chuyên biệt hơn).

Có rất nhiều cách khác nhau các nền tảng NFT có thể dùng để tăng thêm giá trị cho cả người mua và người bán. Những nhà sáng tạo có thể dựa vào những đặc điểm nói trên để xác định nền tảng phù hợp để sử dụng.

Không giống như các nền tảng truyền thống (ví dụ Amazon), chúng ta hiếm khi thấy chiến thắng trên thị trường thuộc về duy nhất một người. Điều này là bởi tính cởi mở của Blockchain (có thể truy cập công khai) và những giá trị được tạo ra bởi những dịch vụ được tùy chỉnh bởi người dùng. Các công ty và cá nhân người sáng tạo nên đánh giá xem có bao nhiêu tùy chọn hiện có, có phù hợp với nhu cầu kinh doanh riêng của họ hay không. Nếu một nền tảng hoặc chiến lược cụ thể có vẻ là cơ hội tốt, họ nên tiếp tục trong việc ứng dụng nó.

NFT có thể chỉ là một cơn sốt tạm thời, nhưng với khối lượng đã giao dịch trong quý 3/2021 là hơn 10 tỷ USD cũng cho thấy nó rất có thể thành một ngành công nghiệp chính mặc dù chỉ là một ngành mới nổi trong thời gian gần đây. (NFT là một công cụ dựa trên Blockchain cho phép bất kỳ ai cũng có thể kiếm tiền từ hình ảnh/video kỹ thuật số.)

Vào tháng 3 năm nay, nhạc sĩ 3LAU đã hợp tác với công ty khởi nghiệp tiền điện tử Origin Protocol để tạo ra nền tảng chuyên biệt & bán album mới của anh ấy dưới dạng NFT. Kết quả nó đã bán thành công với giá 11,6 triệu đô la. Nghệ sĩ Beeple nổi tiếng đã bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được mã hóa với giá 69 triệu đô la thông qua nhà đấu giá Christie's. Giải NBA's Top Shot, thuộc sở hữu của nền tảng tiền điện tử Dapper Labs cho phép người hâm mộ mua/bán các video clip được mã hóa về những điểm nổi bật trong trận đấu bóng rổ, đã thu về hơn 715 triệu đô la.

Cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng này, các nhà sáng tạo cá nhân và các tổ chức, các công ty lớn từ bán lẻ, giải trí, sản phẩm tiêu dùng, thời trang…cũng đã và đang nghiên cứu cách thức để đưa sản phẩm và dịch vụ của mình tiếp cận với thế giới NFT. Cụ thể là, một số tổ chức cũng đang có tham vọng xây dựng NFT marketplace cho riêng mình bằng cách kết hợp với các công ty công nghệ về Blockchain. Điều này giúp giảm chi phí ban đầu, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn cũng như đem lại được nhiều dịch vụ giá trị như marketing, pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật.

CHỢ/NỀN TẢNG GIAO DỊCH NFT LÀ GÌ?

Trái ngược với các nền tảng như Spotify và Netflix (cung cấp nội dung kỹ thuật số không giới hạn với một khoản phí đăng ký), các nền tảng NFT được xây dựng dựa trên ý tưởng giao dịch và sở hữu các tài sản vật lý / tài sản kỹ thuật số với số lượng có hạn. Các nền tảng này tận dụng công nghệ Blockchain để xác minh nguồn gốc của nội dung kỹ thuật số, tương tự như cách một nhà đấu giá truyền thống có thể xác minh một tác phẩm nghệ thuật nhất định trên thực tế là bản gốc chứ không phải bản sao. Một số nền tảng thậm chí còn cung cấp khả năng “đốt cháy” mặt hàng, củng cố thêm khái niệm về sự khan hiếm đối với các sản phẩm kỹ thuật số này. Nhật ký giao dịch dựa trên nền tảng Blockchain cũng có thể tạo điều kiện phân bổ tiền bản quyền, tự động chia sẻ phần trăm doanh thu từ việc bán đồ cũ với người tạo ban đầu mỗi khi NFT được giao dịch.

Tất nhiên, cũng như với bất kỳ khoản đầu tư nào vào một lĩnh vực non trẻ, dù việc hợp tác với thị trường phù hợp có thể mang đến nguồn doanh thu hoàn toàn mới, thì việc hợp tác với nền tảng không phù hợp cũng có thể gây ra hậu quả phản tác dụng nghiêm trọng. Khi cần tận dụng một công nghệ mới phát triển nhanh chóng như NFT, không phải lúc nào sự lựa chọn đúng cũng rõ ràng. Để tránh mắc phải những sai lầm tốn kém, điều quan trọng là phải tìm hiểu về toàn cảnh các nền tảng hiện có và xác định nền tảng nào sẽ phù hợp nhất cho các dịch vụ NFT mà bạn cần.

CÁC LOẠI HÌNH CHỢ NFT TRÊN THỊ TRƯỜNG HIỆN TẠI

Mặc dù việc phân loại các thị trường NFT sẽ phải dựa vào tương đối nhiều các yếu tố, có thể nhận thấy rằng sẽ đặc biệt hữu ích nếu phân loại chúng từ mức độ đơn giản cho đến nâng cao. Các thị trường NFT đơn giản sẽ hỗ trợ đa dạng nhiều loại NFT hơn và cung cấp các dịch vụ chung cho người bán tốt hơn, và các thị trường NFT nâng cao sẽ có tính chuyên môn cao hơn và cung cấp trải nghiệm dịch vụ đầy đủ hơn.

Các nền tảng đơn giản bao gồm OpenSea và Rarible, tổ chức cả đấu giá và bán hàng giá cố định cho nhiều loại NFT - gần giống với các nền tảng truyền thống như eBay, Esty hoặc Mercari. Các thị trường này chủ yếu tập trung vào việc cho phép các giao dịch hiệu quả, cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán để chấp nhận cả thẻ tín dụng và tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum và đôi khi là các token đặc biệt khác.

Mặt khác, các nền tảng nâng cao có xu hướng tập trung vào phân khúc đặc thù với tệp khách hàng nhỏ hơn, cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng như tự khởi tạo NFT, tiếp thị, quản lý, những mức giá đề nghị, theo dõi danh mục đầu tư và thậm chí là các trò chơi hoàn chỉnh được xây dựng cùng NFT. Ví dụ: trò chơi NBA’s Top Shop tập trung đặc biệt vào các bộ sưu tập vật phẩm bóng rổ; SuperRare tập trung vào nghệ thuật làm hài lòng thị giác người mua, cung cấp dịch vụ cũng như thu thập thông tin mở rộng; Sorare phát hành game bóng đá dưới dạng Fantasy Soccer (một tựa game nổi tiếng nơi người chơi sẽ thi đấu với nhau hàng tuần).

Những dịch vụ kể trên đem lại rất nhiều giá trị cho người dùng, nhưng tất nhiên, chất lượng đương nhiên sẽ đi kèm một cái giá tương xứng. Để có nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc xây dựng, tích hợp và hỗ trợ một loạt các công cụ và trải nghiệm, các nền tảng cao cấp thường có phí giao dịch cao hơn, cũng như chi phí thiết lập trả trước cao hơn. Các thị trường phổ biến thường có chi phí ban đầu và chi phí vận hành thấp, nhưng cũng vì vậy mà những người sáng tạo nếu muốn tiếp cận khách hàng tốt hơn thì sẽ phải bỏ nhiều công sức và đầu tư vào nguồn lực của riêng họ nhiều hơn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ THAM GIA VÀO THỊ TRƯỜNG NÀY?

Làm thế nào để bạn có thể xác định nền tảng nào là phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình? Các công ty có lượng lớn tài sản trí tuệ và đối tượng mục tiêu trong một miền cụ thể có thể thấy nhiều lợi ích hơn khi hợp tác với loại hình nền tảng nâng cao. Số lượng sản phẩm có sẵn có thể dùng để kiếm lợi nhuận lớn hơn, đồng nghĩa với việc có thể thu hồi sớm một khoản tiền lớn. Các nền tảng chuyên biệt này có thể rút ra những trải nghiệm đặc biệt nhằm đảm bảo sự ra mắt thành công và thúc đẩy giá trị bổ sung thông qua các công cụ và dịch vụ thứ cấp.

Nếu bạn không chắc loại dịch vụ chuyên biệt nào có thể phù hợp với doanh nghiệp của mình, bạn nên tìm đến các thử nghiệm NFT từ những người sáng tạo khác để lấy cảm hứng. Ví dụ: các nghệ sĩ có thể tận dụng các nền tảng này để cung cấp nội dung video độc quyền, tặng một buổi gặp mặt/chào hỏi miễn phí hoặc nâng cấp lên thẻ VIP khi user mua NFT. McLaren Racing gần đây đã khởi động một chương trình cho phép người hâm mộ thu thập các thành phần khác nhau của xe đua Công thức 1 ở dạng kỹ thuật số. Người đầu tiên thu thập tất cả 22 NFT cần thiết để lắp ráp một phiên bản kỹ thuật số hoàn chỉnh của chiếc xe sẽ giành được một chuyến đi miễn phí tới cuộc đua Công thức 1 đó.

Một số nền tảng cao cấp phân tích dữ liệu chi tiết về thời điểm các NFT trên thị trường được mint, số lượng các đối thủ cạnh tranh của NFT đang mint, giá trung bình, doanh số bán hàng và hơn thế nữa. Sau đó, các công ty có thể sử dụng dữ liệu này để đưa ra các lựa chọn sáng suốt về cách khởi tạo và định giá các dịch vụ của riêng họ. Ví dụ: NBA Top Shot cung cấp trang phân tích chi tiết cho từng NFT bao gồm bảng phân tích hoạt động thị trường, lịch sử sở hữu, etc. Tương tự, RCRDSHP cung cấp cho người dùng các phân tích sâu rộng về cả NFT riêng lẻ và trạng thái tổng thể của thị trường. Mặc dù các nền tảng cụ thể trong ngành này có thể có phạm vi tiếp cận hẹp hơn, nhưng chúng cực kỳ hiệu quả trong một thị trường nhất định. Điển hình là Sorare đã tạo ra khối lượng giao dịch gần 20 triệu đô la vào tháng trước và hơn 100 triệu đô la trong năm qua.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có sức hấp dẫn rộng rãi hơn, các công ty và nhà sáng tạo sẽ hợp tác tốt hơn với những thị trường phổ biến. Ví dụ: Coca-Cola hợp tác với OpenSea để bán đấu giá NFT “Loot Box” bao gồm các phiên bản kỹ thuật số của tủ mát, áo khoác và logo Coca-Cola cổ điển, cũng như một tủ lạnh Coca-Cola thật được chất đầy các sản phẩm Coca-Cola và được giao tận nhà của người chiến thắng. Đó là một dịch vụ đủ đơn giản, không đòi hỏi nhiều về cách thức mà vẫn chuyên môn hóa theo ngành cụ thể. Bộ sưu tập NFT cuối cùng đã được bán với giá hơn 575.000 đô la, sau đó đã được Coca-Cola tặng cho Thế vận hội đặc biệt quốc tế.

TƯƠNG LAI CỦA NFT NẮM GIỮ NHỮNG GÌ?

Tại thời điểm này, bạn có thể tự hỏi mình: liệu nền tảng nào trong số nhiều nền tảng này có khả năng trở thành tiêu chuẩn trong ngành giống như Amazon? Các thị trường truyền thống có xu hướng thể hiện người chiến thắng sẽ có tất cả, có nghĩa là khi một nền tảng duy nhất đạt được quy mô, đối thủ cạnh tranh gần như không thể vượt qua nó. Tuy nhiên, trái ngược với thị trường truyền thống, chúng tôi tin rằng không có nền tảng NFT đơn lẻ nào có khả năng đảm nhận vị trí thống trị như vậy. Có hai lý do chính cho điều này:

  1. Thị trường NFT vốn đã cởi mở hơn so với các thị trường truyền thống. Vì NFT được xây dựng trên cơ sở hạ tầng Blockchain một cách công khai hoàn toàn, nên hầu hết dữ liệu giao dịch đều có sẵn. Điều này hạn chế mức độ mà các nền tảng có thể xây dựng các loại dữ liệu hoàn toàn độc quyền.
  2. Sự thành công của các nền tảng nâng cao cho thấy rằng sự khác biệt hóa có giá trị cao đối với cả người mua và người bán. Nhu cầu mạnh mẽ về nhiều thị trường NFT cùng tồn tại, mỗi thị trường tập trung vào một miền khác nhau và cung cấp các công cụ chuyên biệt để giúp các đối tác của họ thành công. Ngay cả trong các ngành, nhiều nền tảng cũng có thể cùng tồn tại, miễn là chúng khác biệt trong các công cụ và trải nghiệm mà chúng cung cấp. Ví dụ: một nền tảng nghệ thuật NFT có thể chuyên về chức năng tự khởi tạo, trong khi một nền tảng khác có thể tập trung vào trải nghiệm chơi game được xây dựng trên các NFT hàng đầu.

Tuy các nền tảng phổ biến cung cấp các giao dịch với chi phí thấp có thể sẽ thu hút phần lớn cả người mua và người bán, nhưng chúng sẽ không bao giờ có thể cung cấp mức độ tùy chỉnh và hỗ trợ theo ngành cụ thể bằng các nền tảng cao cấp hơn. Các nhà đầu tư dường như cũng đồng ý rằng: trong khi các nền tảng phổ biến hoạt động tốt, nhưng các nền tảng cao cấp cũng không hề gặp khó khăn trong việc thu hút vốn. Cụ thể là Dapper Labs đảm bảo mức định giá 7,6 tỷ đô la và Sorare tăng mức kỷ lục 680 triệu đô la với mức định giá 4,3 tỷ đô la.

Vì vậy, nếu bạn là một người sáng tạo, đừng cảm thấy như bạn phải đợi “Amazon của ngành NFT” xuất hiện. Hãy đánh giá các thị trường hiện có dựa trên mức độ phù hợp của chúng với các dịch vụ và nhu cầu kinh doanh độc đáo của bạn. Nếu thấy một thị trường có vẻ phù hợp với mình, hãy tiếp tục và thử nghiệm.

Trong khi NFT vẫn là một ngành đang phát triển, chúng đã chứng tỏ tiềm năng sinh lời cao, tạo ra giá trị thực cho cả người mua và người bán. Cho dù bạn là một thương hiệu lớn như NBA hay một nghệ sĩ độc lập đang phát triển, hợp tác với nền tảng phù hợp là bước quan trọng đầu tiên để thúc đẩy sự tương tác của khách hàng và đảm bảo vị trí của bạn trong nền kinh tế kỹ thuật số mới này.

Nguồn: Harvard Business Review

Dịch thuật: BHO Team

Xuất bản ngày 18 tháng 2 năm 2022

Chủ đề liên quan

share iconShare