logo
  1. Blog
  2. Tin tức Crypto
  3. Celsius trở thành quả bom nổ chậm đối với thị trường tiền mã hóa

Celsius trở thành quả bom nổ chậm đối với thị trường tiền mã hóa

  1. Celsius Network là gì?
  2. Ngọn lửa châm ngòi cho vụ nổ
  3. Khái niệm về Lido Finance và stETH
  4. Các quỹ lớn nhảy vào hành động
  5. “Vòng xoáy tử thần” Celsius Network xuất hiện
  6. Hậu quả domino đang đe dọa thị trường

Khi toàn bộ thị trường tiền mã hóa chưa kịp sốc lại tinh thần sau cuộc khủng hoảng Terra, thì mới đây cộng đồng blockchain lại phải tiếp tục đối mặt với một mối đe dọa khác mang tên Celsius Network.

Celsius Network là gì?

Celsius Network (CEL) là một dự án cho vay tiền mã hóa ngang hàng (P2P) phi tập trung được thành lập vào năm 2017 có trụ sở tại thành phố London (Anh). Theo đó, Celsius cho phép người dùng nhận lãi đến 18,63% khi gửi crypto vào nền tảng cũng như dùng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp để vay thêm các đồng coin khác.

Tính đến tháng 8/2021, Celsius Network được xem như là một trong những gã khổng lồ lớn mạnh nhất của không gian DeFi với khối tài sản quản lý (AUM) lên đến hơn 20 tỷ USD. Không những vậy, định giá công ty còn chạm mốc 3,25 tỷ USD sau vòng gọi vốn 750 triệu USD vào tháng 11/2021.

Ngọn lửa châm ngòi cho vụ nổ

Khái niệm về Lido Finance và stETH

Trước khi đi sâu hơn vào diễn biến liên quan đến Celsius Network, đầu tiên chúng ta cần phải nắm rõ về nguyên nhân cốt lõi của vụ việc đều xoay quanh stETH và nền tảng Lido Finance (LDO). Về cơ bản, Lido Finance là dự án cho phép người dùng tham gia stake ETH vào giao thức để trở thành nhà xác thực trong quá trình Ethereum thực hiện nâng cấp chuyển đổi sang cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake - Ethereum 2.0, hay còn được gọi dưới cái tên ngắn gọn hơn là sự kiện hợp nhất (The Merge).

Đổi lại người dùng tham gia stake ETH sẽ nhận lại được số stETH tương ứng từ Lido Finance như một công cụ để bảo chứng 1:1 với ETH mà họ lock trong nền tảng. Sau khi ETH hoàn thành The Merge, nhà đầu tư có thể đem stETH để đổi lại ETH.

Song, mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu nhà đầu tư giữ nguyên stETH họ đang nắm giữ. Tuy nhiên tất cả không đơn giản như vậy. Bởi lẽ nhà đầu tư lo ngại rằng giá ETH trên thị trường đang bị ảnh hưởng dữ dội theo chu kỳ giảm giá chung kết hợp cùng vấn đề The Merge có thể tiếp tục bị trì hoãn, sẽ không có gì đảm bảo ETH sẽ giữ nguyên giá trị sau hợp nhất.

Điều này có nghĩa stETH dù được quy đổi 1:1 với ETH trong tương lai nhưng sẽ mất giá trị hơn so với số ETH lock hiện tại ước tính trên USD.

Ví dụ: Bạn stake 2 ETH với giá mỗi ETH là 1.000 USD vào lúc này trên Lido Finance, bạn sẽ nhận được 2 stETH bảo chứng. Tuy nhiên, sau khi The Merge triển khai thành công bạn có thể chuyển đổi 2 stETH về lại 2 ETH ban đầu nhưng trên thực tế giá ETH đã giảm còn 800 USD, tức là bạn đã lỗ mất 400 USD.

Do đó nhà đầu tư cần phải có “lối thoát hiểm” vào thời điểm hiện tại. Điều trùng hợp là giao thức Curve Finance có sẵn pool cho hoán đổi stETH -> ETH để phục vụ cho mục đích trên. Tuy nhiên vì pool của Curve lại có thanh khoản phần lớn là stETH (chiếm 79%) và ETH (chỉ chiếm 21%), vì vậy đã dẫn đến trình trạng stETH bị de-peg.

Chúng ta có thể thấy ở hình minh họa bên dưới thay vì tỷ lệ 1:1 thì giờ đây 1 ETH = 1,051 stETH tạo ra một con số chênh lệch không nhỏ, khoảng 5%.

Các quỹ lớn nhảy vào hành động

Lý do vừa được đề cập đã ngay lập tức tạo ra một mối lo ngại khá đáng kể đối những quỹ đầu tư (VC) có tiếng trên thị trường tiền mã hóa. Vì số ETH mà họ mua để tham gia stake vào Ethereum 2.0 là vô cùng khổng lồ, và nếu ETH cứ tiếp tục giảm giá đặc biệt sau The Merge thì tổn thất mà VC phải gánh chịu rất nặng nề. Do đó, họ đã nhanh chóng đưa ra giải pháp bằng cách xả số stETH ngược lại thành ETH và chuyển ETH qua stablecoin như USDT, USDC hay BUSD để phòng tránh rủi ro.

VC đầu tiên khơi mào không ai khác ngoài Alameda Research - quỹ đầu tư lừng danh có quan hệ mật thiết với sàn FTX. Theo cập nhật từ những nhân vật trong ngành DeFi nổi tiếng trên Twitter, vào ngày 8/6 Alameda Research đã xả gần 50 triệu USD stETH -> ETH trên giao thức Curve Finane, đây cũng là nguyên nhân giải thích cho việc tại sao stETH bị de-peg nặng đến thế vì thanh khoản quá lớn được xả qua ETH đã khiến stETH trượt giá mạnh.

Nguy hiểm hơn, Alameda Research chỉ là một trong 7 VC tham gia stake ETH trên Lido Finance. Những cái tên còn lại cũng đủ khiến cộng đồng phải khiếp sợ bao gồm a16z, Coinbase, Paradigm, Digital Currency Group (công ty mẹ của quỹ crypto lớn nhất thế giới Grayscale), Jump và Three Arrow Capital (3AC). Với động thái của Alameda Research, cộng đồng đang rất lo ngại rằng 6 đại diện còn lại sẽ tiếp bước xả stETH ra thị trường.

“Vòng xoáy tử thần” Celsius Network xuất hiện

Như đã được giải thích đầu bài, Celsius Network (CEL) tiền thân là một dự án cho vay crypto, vì thế Celsius bắt buộc đem tài sản crypto của người dùng thế chấp đi stake hoặc cho vay trên nhiều nền tảng khác để kiếm lời mới có thể trả lãi 18% APY.

Bên cạnh đó, Celsius phải đảm bảo trong kho dự trữ quỹ của mình nguồn thanh khoản lớn nhằm đáp ứng cho nhu cầu người dùng có thể rút tài sản thế chấp hoặc tiền gửi ra bất kỳ lúc nào họ muốn.

Đến đây lỗ hổng mới thật sự xuất hiện. Thanh khoản ETH thực tế của Celsius đang rơi vào mức báo động, chỉ có 27% ETH (268.000 ETH) là có thể rút ra ngay lập tức còn lại là 44% stETH (445.000 ETH) và 29% ETH dưới dạng staking đều phải chờ ít nhất 1 năm mới có thể thanh khoản.

Mặt khác, tốc độ người dùng rút tiền trên Celsius đang dao động ở ngưỡng 50.000 ETH/tuần. Nếu cứ duy trì tần suất như vậy, Celsius sẽ hoàn toàn cạn kiệt ETH để trả cho người dùng trong 5 tuần tiếp theo. Cùng với đó, sau khi biết được thông tin này nhiều khách hàng của Celsius cũng đã liên tiếp rút BTC và stablecoin của họ khỏi giao thức. Nhìn chung, Celsius khả năng cao sẽ phá sản.

Song, thay vì chọn giải pháp tệ nhất là vỡ nợ và đặt lợi ích người dùng lên hàng đầu bằng cách bảo lưu số tài sản còn lại để bồi thường cho họ thì Celsius đã đánh cược với hướng đi tiếp tục bơm thêm thanh khoản vào nền tảng với hy vọng khi thị trường phục hồi, mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thỏa. Trong quá trình này, Celsius cũng đã cho ngừng các dịch vụ rút tiền và hoán đổi giao dịch đối với người dùng.

Celsius đã sử dụng lượng stETH và WBTC của mình để thế chấp đi vay trên nhiều nền tảng lending khác là Aave, Compound và MakerDao. Cụ thể tại Aave, Celsius đã thế chấp 409.000 sETH, 4.490 WBTC, 34.266 WETH và 750.173 LINK để vay 203 triệu USDC, 98,9 triệu DAI, 930.863 USDT và 54.538 USD REN. Tổng giá trị vay là 303,61 triệu USD.

Tiếp đến là Compound, Celsius đã thế chấp 14.436 WBTC, 87.604 ETH và 13.245 COMP để vay 135 triệu DAI và 82,5 triệu USDC. Tổng giá trị khoản vay là 217,6 triệu USD.

Cuối cùng là MarkerDAO, Celsius đã thế chấp 23.962 WBTC và 6,7 triệu LINK để vay tổng cộng 228,7 triệu USD DAI.

Hậu quả domino đang đe dọa thị trường

Từ những dữ kiện trên, có thể khẳng định rằng Celsius chính là quân cờ domino đầu tiên để kích hoạt làn sóng bán tháo ETH đổ dồn bởi các VC và 3 nền tảng lending vừa được liệt kê.

Để giải thích rõ cho giả thiết này, hãy nhìn nhận về bức tranh thị trường hiện tại. Không thể phủ nhận toàn ngành tiền mã hóa đang trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng và sự sụt giảm đối với Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) sẽ vẫn còn tiếp diễn. Nếu cả BTC lẫn ETH đều đi xuống ngưỡng giá quá thấp, chằng hạn như dưới mức 20.000 USD cho BTC và 1.000 USD cho ETH, thì tất cả khoản vay của Celsius đều bị thanh lý.

Tiếp đến, tài sản thanh lý của Celsius sẽ được Aave, Compound và MakerDAO bán ra thị trường nhằm lấy lại giá trị khoản cho vay ban đầu. Vì tài sản thế chấp của Celsius chủ yếu là stETH nên trình tự bán sẽ thiết lập như sau: chuyển stETH -> ETH trên Curve, sau đó dùng ETH -> stablecoin trên thị trường giao ngay trên CEX như Binance hoặc Coinbase.

Kết hợp với việc cặp stETH/ETH trên Curve ngày càng de-peg nặng hơn vì là cầu nối luân chuyển trung gian, quá trình xả trên sẽ tạo ra sức ép khổng lồ với giá ETH hiện tại. Và khi giá ETH giảm dẫn đến câu chuyện các VC nhận thấy rủi ro về stake ETH trên Ethereum 2.0, chuyển stETH thành ETH qua Curve để rồi dump tiếp lên thị trường giao ngay. Cuối cùng cần phải chú ý rằng thì WBTC cũng đang được Celsius dùng làm tài sản thế chấp lớn thứ hai ngoài stETH. Khi thanh lý xảy ra, chính BTC cũng bị xả. Vòng lặp cứ thế nối đuôi nhau xảy ra kéo theo sự sụp đổ hàng loạt.

Xuất bản ngày 16 tháng 6 năm 2022

Chủ đề liên quan

share iconShare