logo
  1. Blog
  2. Tin tức Crypto
  3. Những Phương Pháp Kiếm Tiền Trong Thị Trường Crypto - Phần 2

Những Phương Pháp Kiếm Tiền Trong Thị Trường Crypto - Phần 2

  1. Khai thác - Đào
  2. Validator
  3. Chơi game play-2-earn
  4. NFTs
  5. Airdrop

Crypto là lĩnh vực tiềm năng còn rất mới mẻ, nhưng cực kì màu mỡ đối với những nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận. Liệu bạn đã biết hết về các phương pháp kiếm tiền trong thị trường này chưa?

Ở phần trước của loạt bài Những phương pháp kiếm tiền trong thị trường crypto, chúng ta đã đi qua 5 phương pháp phổ biến nhất trong thị trường là: Đầu tư spot (Hodl coin); Trade (Lướt sóng); Staking; Farming và IDO.

Ở phần 2 này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu 5 phương pháp ít phổ biến hơn nhưng chắc chắn sẽ gây bất ngờ về khả năng tạo ra lợi nhuận của chúng.

Khai thác - Đào

Khai thác hay Đào là một khái niệm quen thuộc đối với nhiều người. Về bản chất, Đào là quá trình sử dụng sức mạnh tính toán của máy tính để xác nhận và thêm các giao dịch vào blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-Of-Work (PoW), và nhận lại một số lượng coin nhất định và/hoặc một phần phí giao dịch.

Ngoài Bitcoin và Ethereum, còn khá nhiều dự án blockchain khác sử dụng cơ chế PoW có thể đào như Dogecoin, Monero, Litecoin, … Để có thể khai thác, nhà đầu tư cần có chuyên môn kĩ thuật và phải đầu tư thiết bị máy tính chuyên dụng.

Ở hình thức này, nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư, chi phí bảo trì và tiền điện.

Hiện nay, chi phí trung bình để tạo ra 1 Bitcoin là 33.766$, trong đó chi phí cho nguồn điện là 20.260$.

Validator

Nếu như khai thác là hoạt động thiết yếu đối với Proof-of-work, thì đối với Proof-of-stake (PoS), những validator sẽ đóng vai trò tương tự. Các validator cũng sẽ có nhiệm vụ xác thực và thêm các giao dịch vào blockchain. Mặc dù không yêu cầu sở hữu phần cứng máy tính mạnh, các validator sẽ phải Stake một lượng tiền mã hóa nhất định để được làm validator và được chọn để xác thực các giao dịch hoặc làm những nhiệm vụ khác trên mạng, và cũng sẽ được thưởng bằng tiền mã hóa. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ cần có kiến thức về kĩ thuật. Lợi nhuận của việc trở thành validator cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng giá của coin. Vào tháng 5 năm 2021, tổng phần thưởng hàng ngày cho các validators của Ethereum đã đạt hơn 3 triệu Đô la Mỹ sau khi giá ETH đạt đỉnh.

Chơi game play-2-earn

Đã trở nên quá phổ biến sau sự bùng nổ của Axie Infinity thời điểm giữa năm 2021, game play-to-earn đã trở thành công cụ tạo thu nhập của không ít người. Sau Axie Infinity, đã có rất nhiều game với mô hình tương tự được tạo ra, và người chơi khi tham gia sẽ nhận về tiền mã hóa hoặc các NFT giá trị. Vào thời điểm bùng nổ, nhiều người chơi tại các nước đang phát triển như Philippines đã “đổi đời” nhờ Axie Infinity và kiếm được hơn 1000$ mỗi tháng chỉ từ việc chơi game.

Tuy vậy, có nhiều tranh luận về mô hình GameFi hiện giờ khi cho rằng chúng không bền vững vì “không có tính giải trí mà chỉ để kiếm tiền”. Một số dự án GameFi mới gần đây đã được xây dựng tập trung vào yếu tố giải trí của game nhiều hơn để tạo ra sức hút tự nhiên hướng tới game thủ, ví dụ như FootEarn, một GameFi bóng đá 3D Esports ứng dụng công nghệ blockchain và NFT được đầu tư bởi Polygon.

NFTs

Chỉ trong nửa đầu năm 2021, doanh số bán NFTs đã đạt hơn 2,5 tỷ đô la. Tác phẩm NFT Everydays: The First 5000 Days của Beeple - một nghệ sĩ kĩ thuật số nổi tiếng đã được bán với giá 38.525 ETH - tương đương hơn 69 triệu đô la tại thời điểm bán.

Tác phẩm NFT Everydays: The First 5000 Days của Beeple được bán với giá 38.525 ETH

Sức nóng của NFT là không thể phủ nhận và rất nhiều nhà đầu tư đã không bỏ lỡ cơ hội này. Có 2 phương pháp chính để kiếm tiền từ NFT:

  • Giao dịch: Tương tự như crypto, đó là mua thấp bán cao, nhà đầu tư sẽ mua vào những NFT ở giá thấp và sau đó bán lại với giá cao hơn. Tuy nhiên, hình thức này khá rủi ro vì khó có thể định giá được thực sự một tác phẩm NFT, và thanh khoản của thị trường này không xuyên suốt và liên tục như thị trường crypto truyền thống.
  • Tạo ra và bán NFT: Hình thức này an toàn hơn ở chỗ, nghệ sĩ chỉ phải tốn một khoản phí gas để có thể mint ra NFT của mình và niêm yết lên các NFT marketplace. NFT Marketplace như OpenSea thường sẽ tính phí bằng Ethereum và khá cao, nên những nghệ sĩ nhỏ lẻ nên và thường chọn cách niêm yết lên các marketplace nhỏ hơn.

Airdrop

Airdrop là một hình thức gần như không cần vốn nhưng vẫn đem lại lợi nhuận. Đúng như tên gọi, airdrop chính là để cho tiền từ trên trời rơi xuống, thông qua việc hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định hoặc nhiều khi chỉ cần ghi danh, bạn sẽ có cơ hội được dự án airdrop cho một số lượng nhất định tiền mã hóa hoặc các NFT. Và nếu may mắn, số tài sản này có thể lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của bạn.

Vào tháng 8 năm 2021, sàn giao dịch phái sinh phi tập trung DYDX đã thực hiện airdrop cho người dùng đã gửi tiền lên và giao dịch trên sàn trong quá khứ. Nhà đầu tư thực hiện giao dịch tổng khối lượng từ 1 đến 10.000$ nhận được 1163 DYDX token và nếu giao dịch với với khối lượng trên 1 triệu Đô la Mỹ, số token mà nhà đầu tư sẽ nhận được là 9529 DYDX. DYDX đã đạt mức giá cao nhất mọi thời đại là 27$ vào cuối tháng 9, nghĩa là đã có 787 người may mắn nhận được hơn 257.000$ từ trên trời rơi xuống.

Airdrop cũng là một hình thức mà các dự án lựa chọn để quảng bá hình ảnh và bộ nhận diện. Nhà đầu tư nếu chăm chỉ “săn” thông tin và làm airdrop cũng có thể thu lời không hề nhỏ nhờ hình thức này.

Xuất bản ngày 27 tháng 4 năm 2022

Chủ đề liên quan

share iconShare