1. Blog
  2. Tin tức Crypto
  3. VÍ ĐIỆN TỬ - LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

VÍ ĐIỆN TỬ - LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

  1. PHÂN LOẠI VÍ
  2. PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA VÍ ĐIỆN TỬ TIỀN MÃ HÓA
  3. MỘT SỐ VÍ ĐIỆN TỬ TIỀN MÃ HÓA PHỔ BIẾN
  4. Ví điện tử BITCOIN
  5. Ví điện tử ETHEREUM
  6. Ví Metamask
  7. Ví Ledger Nano và TREZOR
  8. Ví Trust (Trust Wallet)

Với sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ví điện tử là một cụm từ rất phổ biến trong trong nhiều năm trở lại đây. Ví điện tử là một ứng dụng thường được phát triển dưới dạng mobile app hoặc trang web với đầy đủ các chức năng của ví thông thường như: giao dịch thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm,...Nó mang lại sự tiện lợi cho người sử dụng, giúp họ có thể thực hiện các thao tác này mọi lúc mọi nơi mà không cần phải tới địa điểm giao dịch.

Nhìn lại một số dấu mốc phát triển quan trọng của ví điện tử, bắt đầu từ một giao dịch mua đĩa CD bằng thẻ tín dụng năm 1994, sau đó là khả năng gửi tin nhắn SMS để mua vật phẩm, sự ra đời của Paypal, Alipay, sự ra đời của ứng dụng tài chính cá nhân siêu nhỏ (microfinance) M-PESA sử dụng được với mọi điện thoại năm 2007 ở Châu Phi, cho tới những ví điện tử cực kì tiện lợi và hiện đại như Apple Pay/ Google Pay, có thể thấy ví điện tử đã trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển với nhiều đột phá vượt bậc.

Cùng với các loại tiền tệ truyền thống, sự ra đời và phát triển của đồng tiền mã hóa đầu tiên - Bitcoin vào năm 2008 là một dấu mốc lịch sự của sự kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Với tính chất phi tập trung, tiền mã hóa không bị quản lý như tiền truyền thống bởi một tổ chức trung gian như ngân hàng. Vì vậy, người dùng sẽ không thực hiện giao dịch qua các tổ chức trung gian mà phải sử dụng các loại ví điện tử - hay còn gọi là ví tiền mã hóa. Ví điện tử luôn đồng hành bắt buộc đối với tiền mã hóa vì đó là phương tiện thanh toán và giao dịch duy nhất cho loại tiền này.

Bài viết này sẽ điểm qua lịch sử và một số tính năng nổi bật của các loại ví điện tử tiền mã hóa phổ biến, nhằm giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát cũng như có sự lựa chọn phù hợp với mình để lưu trữ và thực hiện các giao dịch liên quan tới tiền mã hóa.

PHÂN LOẠI VÍ

Ban đầu, các ví điện tử chỉ có dưới dạng phần mềm trên máy tính. Sau này với sự phát triển của các thiết bị cầm tay thông minh và kỷ nguyên Internet vạn vật, các ví điện tử được phát triển đa dạng hơn dưới dạng tiện ích mở rộng (extension) của trình duyệt hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Ngoài ví điện tử dưới dạng phần mềm hoặc website, một loại ví điện tử được dùng phổ biến với tính bảo mật cao hơn đó là là ví cứng (hardware wallet). Đây là một thiết bị ngoại vi kết nối với máy tính, có tính năng cơ bản tương tự như các ví điện tử thông thường nhưng được mã hóa khóa riêng tư, và có một lớp bảo mật nữa thông qua người dùng (dưới dạng mật khẩu hoặc vân tay) trước khi thực hiện được giao dịch. Chúng ta có thể lưu trữ ví cứng trong két sắt hoặc những nơi có tính bảo mật cao. Ngoài ra, ví cứng khi được cắm vào máy tính nhiễm malware hoặc virus cũng rất khó bị đánh cắp thông tin do bản thân ví cũng đã thiết lập các lớp bảo mật khác nhau.

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA VÍ ĐIỆN TỬ TIỀN MÃ HÓA

Về cơ bản, các loại ví điện tử cho tiền mã hóa đều hoạt động qua giao thức rất phổ biến public-key cryptography (mật mã hóa khóa công khai). Chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau: giả sử A chuyển tiền cho B. Các khóa công khai (public key) của A và B đều được công khai,và các khóa riêng tư (private key) của A và B sẽ được A và B cất giữ riêng cho mình. A sẽ sử dụng khóa công khai của B để mã hóa thông điệp gửi tiền, khi B nhận tiền sẽ dùng khóa riêng tư của chính mình để giải mã thông điệp đó.

Trong thực tế, chúng ta có thể hình dung Public key chính là địa chỉ ví để thực hiện giao dịch như chuyển tokens/coin hay tra cứu lịch sử giao dịch. Nó được công khai và chia sẻ trên các trang block explorer, mọi người hoàn toàn có thể theo dõi. Trong khi đó, Private key có thể tồn tại ở các dạng: cụm ký tự với độ dài 256 bit, cụm ký tự 64 bit dưới dạng hệ thập lục phân, QR code và phổ biến nhất là Mnemonic phrase - một tập hợp thường có 12 từ riêng lẻ theo thứ tự. Quyền kiểm soát ví bao gồm toàn bộ tài sản sẽ mất khi private key lọt vào tay người khác, vì vậy chúng ta luôn phải tuyệt đối bảo mật với private key của mình, thực hiện lưu trữ ở nơi an toàn cũng như có thể đảo hoặc mã hóa một số cụm từ khi lưu trữ.

MỘT SỐ VÍ ĐIỆN TỬ TIỀN MÃ HÓA PHỔ BIẾN

Ví điện tử BITCOIN

Cùng với sự ra đời của Bitcoin - đồng tiền mã hóa đầu tiên, các ví điện tử cũng ra đời như một nhu cầu tất yếu để người dùng có thể thực hiện giao dịch chuyển, nhận các BTC và theo dõi lịch sử giao dịch của mình. Bitcoin - hay còn được gọi dưới cái tên Satoshi client là phần mềm ví điện tử đầu tiên được ra đời vào năm 2009 do chính cha đẻ của BTC - Satoshi Nakamoto viết ra. Sau này để tránh nhầm lẫn với từ Bitcoin để chỉ tiền tệ, các phiên bản sau được đổi tên thành Bitcoin-Qt và hiện tại là Bitcoin Core. Một số các phần mềm khác cũng có tính năng tương tự đó là Bitcoin XT, Bitcoin Unlimited và Parity Bitcoin.

Ví điện tử ETHEREUM

Sau khi ETH chính thức chạy blockchain network của mình vào năm 2015, ví điện tử đầu tiên với tên gọi Etherwall ra đời. Etherwall cũng có các tính năng cơ bản như gửi - nhận token, tra cứu lịch sử giao dịch. Cho tới thời điểm hiện tại, Etherwall vẫn đang được tiếp tục phát triển.

Sau thời kỳ sơ khai của tiền mã hóa với các ví điện tử dưới dạng phần mềm máy tính truyền thống, sự bùng nổ và được công nhận trên toàn thế giới của anh cả Bitcoin và Ethereum dẫn tới sự ra đời của hàng chục ngàn đồng tiền mã hóa và token các loại, đi kèm là vốn hóa của thị trường lên tới hơn một ngàn tỷ USD. Cùng với đó, các loại ví điện tử tiền mã hóa phát triển nhanh chóng dưới dạng ứng dụng trên điện thoại hoặc các tiện ích mở rộng (extension) của trình duyệt web, đem lại sự tiện lợi lớn cho người dùng khi có thể thực hiện được giao dịch ở mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, rủi ro và các nguy cơ đi kèm là vô cùng lớn khi rất nhiều người dùng chưa thực sự hiểu cơ chế hoạt động cũng như có ý thức bảo mật đối với ví điện tử của mình.

Ví Metamask

Ra đời tương đối sớm từ năm 2016, cùng với Ethereum, MetaMask được phát triển bởi ConsenSys và được phát hành dưới dạng extension của trình duyệt để thực hiện giao dịch trên nền tảng blockchain Ethereum. Sau này các nền tảng blockchain phổ biến khác cũng được hỗ trợ như Binance Smart Chain hay Polygon.

Phải tới tháng 9 năm 2020, phiên bản MetaMask trên các thiết bị di động IOS và Android mới được phát hành. Ngay sau đó trong tháng 10, tính năng MetaMask Swaps dành cho extension của trình duyệt máy tính ra đời với dịch vụ DEX tích hợp nhằm hỗ trợ trao đổi ETH token với các token khác.

MetaMask Swaps lấy dữ liệu từ các sàn phi tập trung để chọn ra tỉ giá tốt nhất, và điều này khiến MetaMask rất phổ biến đối với những người thường xuyên giao dịch tiền mã hóa bởi sự tiện lợi của nó. Tới tháng 3 năm 2021, dịch vụ Swaps mới được ra mắt trên nền tảng di động. Hiện tại, MetaMask có khoảng 21 triệu người dùng tích cực hàng tháng theo một thống kê của Bloomberg.

Ví Ledger Nano và TREZOR

Đây là hai ví cứng (hardware wallet) phổ biến nhất để lưu trữ tiền mã hóa. Đều được ra mắt vào năm 2014, Ledger Nano và TREZOR thường song hành cùng nhau và cạnh tranh quyết liệt cả về thị phần, chức năng cũng như khả năng hỗ trợ các token khác nhau trong suốt quá trình phát triển.

TREZOR wallet hoạt động giống như một chiếc máy tính siêu nhỏ, trong khi Ledger Nano S chỉ sử dụng một chip bảo mật tích hợp bên trong nên TREZOR to hơn một chút về kích thước. Các tính năng nổi bật bao gồm thiết lập mã PIN, mã hóa private key và lưu trữ chúng một cách an toàn. Các tính năng này giúp ví cứng có độ bảo mật và an toàn cao hơn rất nhiều so với các ví điện tử dưới dạng phần mềm.

Hiện tại cả hai hãng đã cho ra mắt các loại sản phẩm khác nhau như TREZOR One, TREZOR Model T hay Ledger Nano S hoặc Ledger Nano X để phù hợp với từng loại nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên về các tính năng cơ bản cũng như tính bảo mật, hai hãng có sự tương đồng rất cao vì vậy hai dòng sản phẩm này đều phù hợp với những người ưa chuộng lưu trữ token trên ví cứng nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho tài sản tiền mã hóa của mình.

Ví Trust (Trust Wallet)

TrustWallet là một ví điện tử rất phổ biến dưới dạng ứng dụng trên điện thoại di động và được sử dụng rộng rãi bởi khả năng tích hợp mạnh vẽ với nhiều nền tảng và hỗ trợ nhiều loại token. Ra đời vào tháng 11/2017, tính đến thời điểm hiện tại, TrustWallet hỗ trợ tới 53 nền tảng blockchain khác nhau. Năm 2018, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance đã mua lại TrustWallet và dành một phần ngân sách R&D cho việc nghiên cứu và phát triển của ví này.

TrustWallet trở nên phổ biến bởi giao diện dễ sử dụng, tính tiện lợi cũng như nhiều tính năng có thể dùng ngay trong ứng dụng như: mua token, swap token hoặc staking token và đặc biệt là khả năng truy cập các ứng dụng phi tập trung (dApps). Hiện tại TrustWallet có hơn 25 triệu người dùng thường xuyên và dự kiến con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới.

Trên đây là một vài ví điện tử tiền mã hóa tiêu biểu gắn liền với các dấu mốc ra đời của tiền điện tử, cũng như tính phổ biến của nó trong cộng đồng. Ngày càng có nhiều loại ví điện tử được ra đời và đi kèm với đó là nhiều tính năng cải tiến và linh hoạt, đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người sử dụng. Người dùng có thể lựa chọn các loại ví khác nhau để lưu trữ token, tuy nhiên dù sử dụng loại ví nào thì cũng cần tìm hiểu về cơ chế hoạt động cũng như các nguyên tắc bảo mật để đảm bảo an toàn cho tài sản số của mình.

Xuất bản ngày 17 tháng 3 năm 2022

Chủ đề liên quan

share iconShare