- Blog
- Tin tức Crypto
- HIỆN TRẠNG CỦA CRYPTO: NHỮNG LÝ TƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC HIỆN THỰC HOÁ
HIỆN TRẠNG CỦA CRYPTO: NHỮNG LÝ TƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC HIỆN THỰC HOÁ
- Những định kiến đã bị phá vỡ, mở đường cho sự đổi mới
- Công nghệ được áp dụng rộng rãi
- Những ý tưởng trở thành hiện thực
Chỉ trong hơn một thập kỷ, công nghệ Blockchain và tiền điện tử đã chuyển mình, từ một chủ đề mới lạ, được truyền miệng qua lại trong một nhóm cộng đồng online trong những ngày đầu xuất hiện, tới một hiện tượng toàn cầu và đã thực sự tái định hình các mô thức tài chính. Từng bị nhìn nhận với thái độ hoài nghi và ngờ vực, những đổi mới này nhanh chóng phát triển thành động lực thay đổi, khi các tổ chức, chính phủ và cá nhân bắt đầu nhận ra tiềm năng của chúng trong việc cách mạng hóa các ngành công nghiệp và định nghĩa lại về tài sản. Những quan điểm đang thay đổi nhanh chóng của thế giới về chúng cũng nhấn mạnh bản chất năng động và không thể đoán trước của sự phát triển công nghệ và tài chính. Vậy, sau hơn một thập kỷ đấu tranh và vận động, công nghệ blockchain đã tiến xa tới đâu và thay đổi những gì?
Những định kiến đã bị phá vỡ, mở đường cho sự đổi mới
Bitcoin và công nghệ Blockchain vẫn thường được nhìn nhận với sự nghi hoặc, ngờ vực, cùng nhiều mối quan ngại khác xung quanh loại hình tài sản công nghệ mới này. Những công ty lớn như J.P Morgan, cho tới 2017 vẫn tuyên bố cho rằng Bitcoin là một “trò lừa đảo”, hay gã khổng lồ dịch vụ thanh toán quốc tế Mastercard tỏ ra lo ngại vì Bitcoin “có dính líu với nhiều hoạt động phi pháp”. Cũng không thể trách công chúng và những quan ngại có cơ sở, vì ở giai đoạn sơ khai, công nghệ blockchain cũng chưa phát triển đủ vững vàng và để lộ nhiều thiếu sót. Đồng thời trong những năm đầu tiên, một loạt sự kiện tai tiếng như Silk Road, Mt Gox, … đã khiến thế giới bước chậm lại trên chặng đường tiến tới Mass Adoption.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vững bước của blockchain, những định kiến cũ dần được thay thế bằng những cái nhìn tích cực, tiềm năng hơn. Nhiều tổ chức lớn đã thay đổi 180 độ cái nhìn của mình về Bitcoin và blockchain trong vài năm qua:
-
J.P. Morgan: Jamie Dimon, CEO của J.P Morgan từng tuyên bố Bitcoin chỉ là một “trò lừa đảo” vào 2017, và nói sẽ sa thải bất kỳ nhân viên nào giao dịch Bitcoin. Vậy nhưng vào năm 2020, ngân hàng này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho nhiều sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase và Gemini, Đỉnh điểm là J.P Morgan cũng ra mắt JPM Coin, token thanh toán cho mạng blockchain riêng của ngân hàng. Tính tới tháng 10 năm 2023, hơn 300 tỷ USD đã được giao dịch với JPM Coin.
-
Paypal: Trong những năm đầu, PayPal giữ khoảng cách với crypto, chủ yếu là do lo ngại về sự biến động, bảo mật và khả năng lạm dụng cho hành vi phi pháp. Tuy nhiên Paypal đã thực hiện một bước ngoặt vào 2020, cho phép người dùng Hoa Kỳ mua, bán và nắm giữ nhiều loại tiền điện tử khác nhau, bao gồm Bitcoin, Ethereum và Litecoin, trực tiếp từ tài khoản của họ. Quyết định này đã đưa tiền điện tử đến với nhiều người dùng hơn, nâng cao nhận thức về tài sản số.
-
Blackrock và Larry Fink: BlackRock và Larry Fink đại diện cho một trong những bước ngoặt quan trọng nhất cho thấy thế giới đã thay đổi nhanh chóng như thế nào. Tới tận 2017, Larry Fink - CEO của Blackrock - tổ chức đầu tư lớn nhất thế giới với hơn 10000 tỷ USD tài sản đang được công ty quản lý, vẫn tiếp tục gọi Bitcoin là “chỉ số rửa tiền", bày tỏ sự hoài nghi về những ứng dụng thực sự của blockchain và tiền điện tử, ngoài phục vụ những hoạt động phi pháp. Vậy nhưng theo thời gian, BlackRock bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn tới blockchain và crypto. Đến 2018, có báo cáo cho rằng công ty đã thành lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Vào năm 2021, BlackRock đã bổ sung hợp đồng tương lai Bitcoin như một khoản đầu tư tiềm năng cho hai quỹ của mình. Đối với cá nhân Larry Fink, vào một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2020, ông đã công nhận Bitcoin là một khoản đầu tư tiềm năng và có tiềm năng phát triển trở thành một lớp tài sản thực sự. Hơn thế nữa, Larry Fink cũng cho rằng tiền kỹ thuật số có thể đóng một vai trò quan trọng trong nền tài chính của thế giới trong tương lai.
Sự chuyển đổi về quan điểm của Fink cũng đại diện cho quan điểm các nhà lãnh đạo tài chính nói chung, khi họ bắt đầu đánh giá cao những tác động và lợi ích tiềm tàng của hệ thống tài chính phi tập trung. Khi ngày càng có nhiều tổ chức như BlackRock tham gia vào lĩnh vực này, vai trò của tiền điện tử trong tương lai của hệ thống tài chính tiếp tục được củng cố.
Công nghệ được áp dụng rộng rãi
Theo một báo cáo từ Coinbase, hơn 80% công ty thuộc Fortune 500 đã bắt đầu tham gia lĩnh vực blockchain và crypto, và 44 công ty trong top 100 công ty lớn nhất thế giới về vốn hoá, đã đang sử dụng công nghệ blockchain. Bên cạnh đó, nhiều gã khổng lồ công nghệ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ mới này với nhiều khía cạnh và mục đích khác nhau.
-
IBM: IBM Blockchain là nền tảng blockchain dành cho doanh nghiệp của IBM, giúp các công ty xây dựng, áp dụng và triển khai mạng blockchain của riêng họ. Ngoài ra, IBM cũng cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu thêm về các giải pháp công nghệ blockchain nhằm tích hợp để vận hành hiệu quả hơn.
-
Microsoft: Microsoft đã hợp tác với nhiều công ty để triển khai áp dụng công nghệ blockchain vào các hoạt động doanh nghiệp. Ngoài ra, Microsoft đã bắt tay với nhiều công ty dịch vụ tài chính khác để phát triển khả năng ứng dụng blockchain vào thanh toán và giao dịch tài chính xuyên quốc gia. Microsoft cũng đầu tư rất tích cực vào các dự án startup Web3, với dự án gần đây nhất là Space and Time, được gã khổng lồ công nghệ dẫn đầu vòng gọi vốn với 20 triệu USD.
-
Google: Cũng tương tự như Microsoft, Google cũng đã tài trợ đáng kể cho các startup blockchain, đưa khoản đầu tư của họ vào vực này lên gần 1,5 tỷ USD từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022. Công ty cũng đã bắt đầu tích hợp blockchain vào hoạt động kinh doanh của mình. Vào tháng 10 năm 2022, Google đã ra mắt Blockchain Node Engine (BNE) dành cho các nhà phát triển Web3. Dịch vụ này cho phép các công ty Web3 thực hiện giao dịch, khởi chạy hợp đồng thông minh và truy cập hoặc ghi lại dữ liệu blockchain thông qua Google Cloud. Ethereum sẽ là mạng blockchain đầu tiên được BNE hỗ trợ.
Sự mở rộng và chấp nhận rộng rãi của blockchain bởi các ông lớn công nghệ đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với lĩnh vực blockchain. Sự phát triển và đa dạng hóa của các ứng dụng blockchain xuất phát từ sự đầu tư, hợp tác và tiếp cận đổi mới của những công ty này. Rõ ràng, khi công nghệ blockchain tiếp tục phát triển và trở nên phức tạp hơn, những tập đoàn công nghệ lớn sẽ ngày càng đẩy mạnh việc áp dụng rộng rãi nó trong các ngành công nghiệp khác nhau. Với nguồn lực lớn, kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm trong việc triển khai giải pháp công nghệ, những công ty này chắc chắn sẽ đứng đầu trong việc định hình tương lai của blockchain trong những năm tới.
Những ý tưởng trở thành hiện thực
Bên cạnh việc công nghệ được ứng dụng rộng rãi, những ý tưởng về tính phi tập trung, sự minh bạch cũng được cả các doanh nghiệp và công chúng chú ý hơn. Không chỉ vậy, nhiều chính phủ thế giới đã đang nghiên cứu, với một số quốc gia lớn, ví dụ như Nga, đã đưa thành công CBDC - tiền tệ kỹ thuật số trung ương xây dựng trên blockchain, vào thử nghiệm, nhằm tạo ra một hệ thống tiền tệ an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn nữa. Sự phát triển của CBDC cũng cho thấy mối quan tâm của chính phủ các nước dành cho những lợi ích mà công nghệ blockchain và crypto đem lại.
Ngoài ra, những cuộc tranh luận về quyền riêng tư, tính phi tập trung, tính minh bạch cũng xảy ra nhiều hơn kể từ khi crypto ra đời, thúc đẩy các nền tảng nghiêng dần tới sự phi tập trung, bảo vệ chặt chẽ hơn quyền riêng tư và tự do của người dùng. Tiêu biểu gần nhất là ví dụ của X (nguyên là Twitter), đã thực hiện nhiều chính sách cải cách, chia sẻ doanh thu quảng cáo tới người dùng, nhằm đảm bảo nền tảng được phi tập trung hơn.
Có thể thấy, bên cạnh những ứng dụng và tác động trực tiếp, lý tưởng của blockchain về sự phi tập trung đang dần ngấm vào tư duy của thế giới và gián tiếp thay đổi nó từng ngày.
Blockchain và crypto đã có những bước chuyển mình rõ rệt kể từ khi nó xuất hiện lần đầu. Kể từ đó, lĩnh vực này đã liên tục đạt được nhiều dấu mốc quan trọng, vượt qua sự hoài nghi và khẳng định vị thế không thể chối cãi của mình để đem đến cơ hội tái định hình lại hệ thống tài chính.
Xuất bản ngày 19 tháng 10 năm 2023
Chủ đề liên quan