1. Blog
  2. Tin tức Crypto
  3. TOKENOMICS: GIÁ CẢ VÀ GIÁ TRỊ CỦA CÔNG NGHỆ

TOKENOMICS: GIÁ CẢ VÀ GIÁ TRỊ CỦA CÔNG NGHỆ

  1. Lối mòn về giảm phát
  2. Giá trị sử dụng và giá của token
  3. Cẩn thận với khoản phân bổ cho các quỹ đầu tư
  4. Tokenomics với vai trò cân bằng giữa giá cả và giá trị

Khác với các công ty truyền thống được niêm yết trên sàn chứng khoán, các dự án blockchain và crypto khó định giá hơn nhiều. Bởi lẽ, token không phải là chứng khoán, và mô hình hoạt động của các dự án blockchain khác hoàn toàn với các công ty truyền thống. Token trong các dự án blockchain vừa đóng vai trò là công cụ tạo ra doanh thu, lưu trữ giá trị, quản trị dự án, chi trả cho những chi phí hoạt động và duy trì hệ sinh thái. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của tokenomics là củng cố đường giá của token, nhưng đồng thời cũng phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài của dự án. Vậy, trong bối cảnh hiện tại, các dự án cần lưu ý gì khi thiết kế tokenomics?

Lối mòn về giảm phát

Kể từ khi Binance triển khai kế hoạch đốt BNB token của mình để giúp tokenomics của BNB trở nên giảm phát, một lối mòn “phải trở nên giảm phát” đã hình thành trong việc thiết kế tokenomics của các dự án. Đương nhiên, giảm phát không xấu, trên thực tế cả giảm phát và lạm phát đều không xấu nếu như được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể và mục đích cụ thể. Tuy nhiên, nhiều dự án cố gắng hướng tới “giảm phát” một cách gượng ép mà không tính tới tương lai lâu dài của dự án cũng như mục đích sử dụng của token.

Polkadot, dự án layer 0 đình đám từ 2020, là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng mô hình lạm phát hiệu quả. DOT token không có nguồn cung giới hạn và có tỷ lệ lạm phát thường niên là 10%. Số lạm phát này sẽ được sử dụng để thưởng cho các validator, từ đó khuyến khích nhiều validator tham gia để tăng cường bảo mật, tính phi tập trung cho mạng, và khuyến khích nhiều người tham gia stake vào mạng lưới hơn. Chính điều này cũng là yếu tố giúp Polkadot duy trì hệ sinh thái trong dài hạn.

Tương tự đối với nhiều dự án blockchain nền tảng khác hướng tới xây dựng một hệ sinh thái đa ứng dụng, việc sở hữu một tỷ lệ lạm phát nhất định là cần thiết để có thể đáp ứng cho những nhu cầu cơ bản như thưởng cho validator, staker - là những nhân tố không thể thiếu đối với mạng blockchain, hay chỉ đơn thuần để chi tiêu trong hệ sinh thái. Từ đó, dự án có thể phát triển tốt hơn, thu hút nhiều người dùng cũng như ứng dụng xây trên nền tảng của mình hơn, tạo ra động lực tăng giá thật sự cho token. Mô hình lạm phát không xấu, đặc biệt nếu như dự án có kế hoạch cụ thể và lâu dài đối với tokenomics của mình.

Giá trị sử dụng và giá của token

Tokenomics không đơn thuần chỉ là một pie chart về lượng phân bổ và một bảng lịch mở khóa token, nó phải bao gồm cả ứng dụng của token, giá trị sử dụng của những đồng tiền số này và cách dự án đem lại giá trị cho người nắm giữ token. Một mô hình giảm phát nếu không phù hợp với ứng dụng của token sẽ vô tình làm ngăn cản sự phát triển của dự án, và ngược lại một mô hình lạm phát với ứng dụng và giá trị sử dụng cao sẽ tạo ra đủ nhu cầu tự nhiên để thúc đẩy giá của token.

Ví dụ, một dự án GameFi với token chính có tokenomics được thiết kế để dễ dàng đẩy giá sớm, sẽ khiến giá vật phẩm cần thiết bị đẩy lên quá cao khiến người chơi mới không thể chi trả để tham gia trải nghiệm game. Điều này sẽ dẫn đến việc game mất dần người chơi, và token chỉ còn là công cụ đầu cơ.

Với mỗi mục đích sử dụng khác nhau, sẽ yêu cầu một cơ chế khác nhau để có thể phù hợp. Ở một số dự án nền tảng yêu cầu các validator nắm giữ và khóa một số lượng coin nhất định để chạy node, mục tiêu của tokenomics sẽ là giữ được giá của đồng coin đó ổn định nhất có thể để có thể giảm tổn thất vô thường cho các validator khi thị trường biến động. Ứng dụng của token có thể rất đa dạng và đôi lúc rất đặc thù. Vì vậy, là một phần quan trọng của tokenomics, ứng dụng của token nên được cân nhắc đầu tiên khi thiết kế mô hình tokenomics.

Cẩn thận với khoản phân bổ cho các quỹ đầu tư

Trong mùa đông tiền điện tử 2022, chúng ta đã thấy sự sụp đổ của nhiều quỹ đầu tư tỷ đô như 3AC, Alameda Research, … cùng nhiều quỹ đầu tư khác ngập trong những khoản nợ phải trả, buộc họ phải thanh lý tài sản của mình, trong đó có token của các dự án họ đã đầu tư. Do đó, nhiều dự án trong thời kỳ khó khăn vừa rồi đã phải gồng gánh đỡ giá cho token của mình sau khi bị các quỹ đầu tư liên tục bán tháo. Dòng vốn đầu tư cho startup blockchain cũng đã thụt giảm mạnh từ sau sự cố FTX - Alameda phần vì điều kiện thị trường khó khăn, phần còn lại do bản thân các dự án cũng rụt rè và cẩn thận hơn khi gọi vốn.

Lượng vốn đầu tư vào các startup blockchain giảm mạnh. Nguồn: Pitchbook

Các dự án không chỉ cần tiền từ các quỹ đầu tư. Từ sau khủng hoảng Alameda Research và Three Arrows Capital (3AC), nhiều dự án khi gọi vốn đã giảm phân bổ dành cho các vòng mở bán token xuống, với lý do “không muốn các VCs xả lên đầu mình”, đồng thời ưu tiên các quỹ đầu tư có thể hỗ trợ mình lâu dài trong việc phát triển hạ tầng công nghệ, marketing và phối hợp đa phương diện để có thể thực sự đồng hành lâu dài.

Tokenomics với vai trò cân bằng giữa giá cả và giá trị

Giá của token không nhất thiết thể hiện giá trị của dự án, tuy nhiên ở thị trường tiền điện tử, giá và biểu đồ giá là những thứ đầu tiên mọi người nhìn vào trước khi đánh giá tới những tiềm năng công nghệ và những ứng dụng được thiết kế công phu của dự án.

Mục tiêu của tokenomics là như vậy, giữ cân bằng được giá cả và giá trị, để giữ chân nhà đầu tư đồng thời thu hút những tác nhân cốt lõi đóng góp cho sự phát triển của dự án. Những khoản khuyến khích, tặng thưởng cần đủ hấp dẫn nhưng không làm loãng tổng cung. Việc áp dụng mô hình giảm phát phải cân nhắc tới mục đích sử dụng và ứng dụng của token để không làm xung đột lợi ích.

Sự kết thúc của mùa uptrend 2021 cũng đã kết thúc thời kỳ dễ dàng của các startup blockchain, buộc các dự án phải tự xác định lại những lối mòn thiếu hiệu quả trong thiết kế tokenomics nói riêng và mô hình vận hành dự án nói chung, để cải thiện và sửa đổi, nhằm phục vụ mục đích lớn hơn là tồn tại và phát triển lâu dài. Tokenomics với vai trò cân bằng giá cả và giá trị của dự án, cần được nhấn mạnh lại về tầm quan trọng.

Xuất bản ngày 23 tháng 6 năm 2023

Chủ đề liên quan

share iconShare